Vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm đều có mùa nước nổi. Ở An Giang cứ đến tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âl), nước của các nhánh sông Cửu Long bắt đầu đổi màu, đục ngầu phù sa. Mỗi ngày sông càng đầy thêm và đến Rằm tháng 7Âl thì nước nhảy lên bờ (Rằm tháng bảy, nước nhảy bờ – Tục ngữ), tràn vào đồng ruộng mang theo phù sa, tôm cá.
Nước nổi đem đến cho con người bao nhiêu nguồn lợi nhưng có khi nước nổi lấy đi tất cả, gây ra cảnh đói khổ chết chóc.
Trong điều kiện thiên nhiên thách đố như trên, dưới chế độ phong kiến, dân đồng bằng sông Cửu Long phần đông là tá điền, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để làm giàu cho địa chủ, nộp sưu, đóng thuế, khi gặp lũ lớn lúa trôi thì cái đói, cái rách mặc sức hoành hành, người nông dân bơ vơ không biết nương tựa vào đâu.
Thảm cảnh ấy được Đức Huỳnh Giáo Chủ khắc hoạ bằng mấy vần thơ:
“Sột-sột nhà sau mụ vét nồi,
Ông chồng quần áo rách lôi-thôi.
Bầy con ngơ-ngác đòi xơi bữa,
Lũ nhỏ giành nhau lấn chỗ ngồi.
Khua đũa mèo mun ngờ chủ thảo,
Muỗng rơi chó vện tưởng cho mồi.”
Đoạn thơ trên lột tả tình cảnh đói khổ của một gia đình nông dân tá điền khi lâm vào cảnh “nạn trôi” năm Canh Thìn (1940).
Bằng những chi tiết chọn lọc của bữa cơm trong gia đình nông dân, chúng ta thấy được sự khổ sở cùng cực của cái nghèo, cái đói.
“Sột-sột nhà sau mụ vét nồi”
Tiếng vét nồi của chị vợ không chỉ giản đơn thể hiện sự tiết kiệm từng hạt cơm dính nồi mà chính là tiếng đau xé lòng của chị.
Người vợ, người mẹ trong gia đình nông thôn Nam bộ được phân công lo việc bếp núc, chăm sóc miếng ăn, thức uống cho chồng con, cơm dẻo thơm, canh ngon ngọt, chồng con no dạ ấy là niềm hạnh phúc. Nhưng trong cảnh nạn trôi chỉ cơm cũng chưa đủ, chị phải vét nồi. Tiếng vá bới cơm cào sát đáy nồi “sột sạt”, chị đã làm cái việc mà các cụ cấm kỵ là không được vét nồi tạo tiếng khua lớn vì sợ rằng làm vậy là tạo điềm xấu thiếu cơm ăn. Cái thiếu đói của chồng, của con trước mắt đã khiến chị không còn phải kiêng dè điều cấm kỵ ấy nữa.
Vá cào đáy nồi chính là những nhát vá cào rát đáy lòng của chị, bởi chị hiện làm công việc phân phối cơm cho các con, cho chồng. Đây cũng là một việc trái với lẽ thường.
Đất Nam bộ “trên cơm dưới cá ”, nếu vì tiết kiệm phải vét nồi thì chỉ vét sau bữa cơm, đàng nầy chị phải vét nồi để phân phối trước khi cả nhà được ăn. Đó là sự mâu thuẩn căng kéo chị, sự căng kéo xót xa giữa nhu cầu ăn của các con và khả năng đáp ứng.
“Bầy con ngơ-ngác đòi xơi bữa,
Lũ nhỏ giành nhau lấn chỗ ngồi”
Vì đói cơm mà bầy con trở nên ngơ ngác, những đứa con ngoan ngoãn ngày nào, chị đã cố công dạy dỗ từ thuở nằm nôi tình thương yêu, đoàn kết : “Anh em như thể tay chân” thì nay cũng vì đói mà chúng “giành nhau lấn chỗ ngồi ”.
Nỗi khổ của chị được người đọc cảm thông qua cử chỉ vét nồi qua thái độ của con; Để lòng thông cảm sâu sắc hơn cho tâm “bi” mở rộng hơn, Đức Giáo Chủ khắc hoạ thêm hình ảnh của ông chồng:
“Ông chồng quần áo rách lôi thôi”
Người chồng là cột trụ gia đình, chịu trách nhiệm trong việc lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà thế mà nay cả nhà lâm vào cảnh đói cơm, phận làm chồng, làm cha sao không xót xa, tuyệt vọng.
Thông thường người ta lo ăn trước rồi lo mặc, nay cái ăn không đủ thì rách rưới là chuyện đương nhiên. Nhưng ở trường hợp nầy cái rách, không chỉ là thiếu thốn vật chất, không phải là cái tả tơi của chính mình, mà cái rách biểu trưng cho thảm cảnh đói khổ, tuyệt vọng là sự không kham nổi trách nhiệm làm chồng, làm cha, nên cái rách ở đây không chỉ là sự khốn khổ về cái mặc, mà là sự tan nát, là những vết cắt khứa vào tận tâm hồn. Nên phải là “rách lôi thôi”.
“Rách lôi thôi” biểu hiện tâm trạng khốn khó cùng cực choán hết tâm não, chẳng còn chỗ trống nào để ngó đến áo quần; rách ra sao, rách chỗ nào có ý nghĩa gì trong hoàn cảnh đói khổ của vợ, con.
Hoàn cảnh mà con người còn lo cho mình, cho người thân yêu mình chưa xong thì còn sức đâu mà lo cho những con “vật cưng ” không thể thiếu vắng ở mỗi gia đình nông dân, mà lúc bình thường các vị chủ nuôi rất thảo ăn với chúng.
“Khua đũa mèo mun ngờ chủ thảo,
Muỗng rơi chó vện tưởng cho mồi”
Những giác quan bén nhạy chính xác của mèo mun, chó vện đã bị cái đói làm cho lệch lạc và trở nên hoang tưởng.
Cảnh đói điển hình của gia đình nông dân trên, hiển nhiên có nguyên nhân trực tiếp là do thiên tai, nạn lụt làm trôi lúa xạ mất mùa. Nhưng nguyên nhân chính là từ xã hội thực dân, phong kiến đang gây đau thương trên đất nước Việt nói chung, vùng đất đồng bằng sông cửu long vốn là vựa lúa của cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long tuy là “trên cơm dưới cá”, “ruộng đất phì nhiêu”, “cò bay mỏi cánh”, nhưng lúc ấy ruộng đất bị các địa chủ bao chiếm, khiến cho những người nông dân chỉ là bần cố nông, với tô tức nặng nề, ngay cả khi trúng mùa còn không đủ ăn vì bị địa chủ bóc lột, huống chi thêm cảnh “nạn trôi”.
Trong khi đó những kẻ “sang giàu” thì sống tách khỏi những người nghèo khó, thờ ơ trước cảnh đói khổ của họ, Đức Thầy phải cất tiếng kêu gọi:
“Hỡi kẻ sang giàu cứu nạn trôi”
Đáng trách hơn là giai cấp địa chủ, những kẻ:
“Có ăn dư huệ nhờ thân nó,
Nghèo khổ bần phu thảm dữ a !”
(Khuyên người giàu lòng phước thiện)
Thế mà trước cảnh đói khổ của những người làm ra của cải, để làm giàu cho họ, họ không màng tới. Đức Thầy cũng phải nhắc nhở:
“Điền chủ mau mau nghĩ tận mà!”
Kể từ khi nước nhà độc lập thống nhất, tuy nhân dân ta chưa hoàn toàn chế ngự được thiên tai, những thiệt hại do lụt bão gây ra, nhưng đã được đồng bào cả nước chia sẻ, các nạn nhân được cứu giúp kịp thời, giảm nhẹ khổ đau. Song song đó các ngành các cấp Chính quyền đã có những công trình dài hạn nhằm khai thác lợi thế vùng nước nổi và hạn chế tối đa thiệt hại.
Các công trình sống chung với lũ như đê bao ngăn lũ, khu dân cư vượt lũ, kênh thoát lũ,… ngày càng tăng thêm về số lượng và tác dụng. Bên cạnh đó là những phương thức sản xuất mới, người nông dân không còn đơn độc. Tuy vậy, vẫn còn một trận tuyến : một bên là Dân tộc ta, bên kia là sự thách đố của tự nhiên, của môi trường sống bị xâm hại. Bảo vệ môi trường sống sạch, xanh và hài hoà cũng là một giải pháp để giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.
Hiện nay, cảnh “nạn trôi” như trên đã chìm vào dĩ vãng, nhưng con cháu sẽ không quên những gì mà cha ông phải vất vả chịu đựng và hy sinh chiến đấu cho vùng đất thân yêu nầy, sẽ sống và làm việc để xứng đáng với công lao của tiền nhân.