Hội giảng nâng cao chất lượng giáo lý viên lần 2/2016
Quang cảnh buổi Hội giảng
Phát huy thành công của những lần hội giảng trước, sáng ngày 13/8/2016, Ban Phổ truyền giáo lý Ban Trị sự Trung ương long trọng tổ chức Hội giảng giáo lý viên lần 2 năm 2016 tại Khánh Vân Tự (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; ông Lê Văn Thưởng, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương, Trưởng Ban Đại diện PGHH thành phố Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Lượng, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự kiêm Phó Ban Phổ truyền giáo lý.
Giáo lý viên Lê Văn Phèn tham gia Hội giảng đề tài Khẩu nghiệp
Tham dự buổi hội giảng còn có các vị đại diện Công an quận Thốt Nốt; lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, UBMTTQ phường Thới Thuận và trên 100 giáo lý viên Phật giáo Hòa Hảo.
Giáo lý viên Trần Thị Hà cùng tham gia Hội giảng đề tài Khẩu nghiệp
Hội giảng diễn ra trong một ngày. Buổi sáng, hai giáo lý viên Trần Thị Hà và Lê Văn Phèn, Cụm thành phố Cần Thơ, cùng thuyết đề tài “Khẩu nghiệp”, thời gian cho mỗi đề tài là 60 phút. Sau đó, các giáo lý viên tham dự chia thành ba nhóm thảo luận trong 90 phút. Buổi chiều, mỗi nhóm cử một đại diện lên nhận xét, góp ý để cùng nhau rút kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng thuyết giảng giáo lý.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Hòa Hảo
phát biểu nhận xét, đánh giá và chỉ đạo tại buổi hội giảng
Phát biểu tại hội giảng, ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương đánh giá cao tinh thần khiêm tốn, cầu thị của 2 giáo lý viên Lê Văn Phèn và Trần Thị Hà cũng như những phát biểu phân tích, góp ý chân tình của các giáo lý viên, tất cả đều đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ phổ truyền giáo lý. Ông cho rằng hội giảng là cơ hội tốt để giáo lý viên cùng nhau trao đổi, học tập và rút tỉa kinh nghiệm.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Tấn Đạt cũng đã nêu một số nhận xét, đánh giá, định hướng cho hoạt động phổ truyền giáo lý trong thời gian sắp tới. Nhận xét về việc thuyết giảng, ông cho biết: “Thuyết giảng là một nghệ thuật nhưng đồng thời cũng là một khoa học diễn giảng. Nghệ thuật thì đòi hỏi năng khiếu, nhưng đã là khoa học thì phải học tập mới có thể thành công được”. Vì vậy, ông đề nghị các giáo lý viên cần phải tiếp tục trau dồi, học tập, rèn luyện để vận dụng cho thật tốt nguyên tắc khế lý, khế cơ mà Đức Phật, Đức Thầy chỉ dạy, có nghĩa là thuyết giảng phải bám sát tôn chỉ giáo lý, phù hợp với trình độ, căn cơ của người nghe, với hoàn cảnh xã hội, với thời đại... Còn trong việc soạn giảng, ông nhắc nhở ngoài nhiệm vụ xiển dương giáo pháp, các giáo lý viên cần chú ý đến việc nêu cao đạo đức truyền thống của dân tộc nhằm góp phần “phát huy giá trị đạo đức và tinh hoa văn hóa dân tộc”; đối với việc dẫn câu chuyện minh họa trong đề tài, ông yêu cầu nên dẫn những câu chuyện của Việt Nam như: truyện cổ Việt Nam hoặc các câu chuyện trong sách sử Việt Nam để vừa làm sáng tỏ đề tài vừa giúp đồng đạo ôn nhắc nhau về truyền thống, lịch sử, văn hóa của nước nhà, về tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc… bởi vì theo ông cho biết văn hóa có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại, hưng vong của quốc gia, dân tộc.
Theo thông báo của Ban Phổ truyền giáo lý, trong Quý 4 năm nay, Ban Phổ truyền giáo lý Ban Trị sự Trung ương sẽ tiếp tục tổ chức Hội giảng lần 3 tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Giáo lý viên Lê Minh Công, Phó Ban Phổ truyền giáo lý
phát biểu mục đích, yêu cầu hội giảng
Giáo lý viên Nguyễn Văn Hiếu đại diện cho Cụm giáo lý viên thành phố Cần Thơ phát biểu
đóng góp ý kiến
Giáo lý viên Nguyễn Văn Thiện Tính đại diện cho Cụm giáo lý viên tỉnh An Giang phát biểu
đóng góp ý kiến
Giáo lý viên Phạm Hùng Nam đại diện cho Cụm giáo lý viên tỉnh Đồng Tháp phát biểu
đóng góp ý kiến
Ông Nguyễn Văn Lượng, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự kiêm Phó Ban Phổ truyền giáo lý thay mặt Ban Phổ truyền phát biểu
Lê Chánh Trị.