GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO
BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG
Số: 3636/2019/TB/BTS-TƯ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
An Hòa Tự, ngày 12 tháng 11 năm 2019
|
THÔNG BẠCH
V/V TỔ CHỨC ĐẠI LỄ ĐẢN SINH ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ
PHẬT GIÁO HÒA HẢO, KỶ NIỆM LẦN THỨ 100
(25/11 KỶ MÙI, 1919 – 25/11 KỶ HỢI, 2019)
Kính gửi: - Trị sự viên Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo;
- Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố;
- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn trong toàn đạo và đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo.
Kính,
Đại lễ Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo kỷ niệm lần thứ 100 (25/11 Kỷ Mùi, 1919– 25/11 Kỷ Hợi, 2019) năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước ta, nhân dân ta và đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo phấn khởi, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam, đồng đạo ta sau 20 năm hoạt động có tổ chức, kết quả đạo sự năm sau đều cao hơn năm trước, tin tưởng hơn vào tiền đồ Đạo pháp.
Có được niềm phấn khởi, tin tưởng, đồng đạo ta có thêm thuận duyên để trì hành giáo pháp “Học Phật tu Nhân”, “Lấy việc báo đáp tứ ân làm căn bản tu hành…” góp phần cùng cả nước bằng tấm lòng hướng thiện cao đẹp để “đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh”.
Đặc biệt lễ Đản sinh năm nay còn mang ý nghĩa quan trọng khác đó là:
- Chào mừng các thành tựu đạo sự của Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước.
- Kính mừng kỷ niệm 100 năm ngày Đản sinh Đức Huỳnh Giáo chủ (25/11 Kỷ Mùi, 1919– 25/11 Kỷ Hợi, 2019).
- Chào mừng Giáo hội đang triển khai Hiến chương và các chương trình đạo sự do Đại hội đại biểu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo lần V nhiệm kỳ (2019-2024).
Do đó, toàn đạo cần quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu của Đại lễ và tổ chức trọng thị, an toàn, tiết kiệm.
I/. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
Tiếp tục thực hiện lời giáo huấn của Đức Tôn Sư: “vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội”, mừng Đại lễ Đản sinh năm nay, toàn đạo cần quan tâm thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:
- Một là, củng cố đức tin nơi giáo pháp “Học Phật Tu Nhân” của hạng tại gia cư sĩ, báo đáp Tứ ân, giữ gìn giới luật của Đạo, sinh hoạt tôn giáo theo Hiến chương Giáo hội và pháp luật của Nhà nước. Nhắc nhở nhau xa lánh những cách hành đạo không đúng Tôn chỉ giáo lý chơn truyền của Đức Thầy; không để cho những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động gây chia rẽ tôn giáo, đạo đời và tình đoàn kết trong nội bộ Phật giáo Hòa Hảo.
- Hai là, luôn thực hiện lời dạy: “… cần kiệm, sốt sắng, lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất”, thực hiện các phong trào kinh tế xã hội, góp phần cải thiện đời sống, ổn định trật tự an toàn xã hội.
- Ba là, tích cực hưởng ứng các chương trình đạo sự của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Ban Trị sự cơ sở, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” nhằm lập công đức thiết thực kính mừng Đại lễ.
- Bốn là, cần làm nổi bật lên tinh thần đạo đức đặc trưng của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, lấy việc trưởng dưỡng đạo tâm là chính, không cần thiết phải phô trương hình thức tốn kém trái với tinh thần vô vi mà Đức Thầy đã dạy, thực hành tiết kiệm. Việc chi phí và tổ chức cơm chay tùy vào khả năng đóng góp, sự hảo tâm tự nguyện của Mạnh Thường Quân và đồng đạo, nên dành sự hướng thiện để giúp đỡ đồng đạo, đồng bào gặp cảnh khó khăn thiếu thốn.
II/. VỀ TỔ CHỨC ĐẠI LỄ:
- Thời gian tổ chức cuộc lễ vào ngày 24, 25 tháng 11 năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 19, 20/12/2019).
- Hành chánh lễ từ 07 giờ 30 phút đến 09 giờ 00 phút, ngày 25/11 Kỷ Hợi (nhằm ngày 20/12/2019).
1/. Làm lễ tại gia:
Trước ngày lễ, mỗi gia đình tín đồ nên dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, làm vệ sinh quanh khu vực nhà ở và trước cửa nhà cho khang trang, sạch đẹp. Trang trí ba ngôi thờ: nhang, đèn, hoa… (có điều kiện đặt bàn Phật trước cửa nhà để cầu nguyện, nếu không thì cầu nguyện trước bàn Thông thiên). Tối 24/11 âl đồng loạt cầu nguyện cho quốc thới dân an, cho nền đạo Phật giáo Hòa Hảo phát khai rực rỡ.
Trước nhà (nơi tiếp giáp mé lộ) có thể trang trí thêm phần ánh sáng, đèn hoa, cờ hoa, đèn chớp và trong sân nhà có điều kiện trang trí băng mang dòng chữ: “Kính mừng Đại lễ Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật giáo Hòa Hảo”. Lưu ý không làm ảnh hưởng nơi công cộng để thể hiện tinh thần “tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo” mà pháp luật quy định.
2/. Tổ chức lễ nơi có đông tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (xã, P, TT):
Những địa phương có đông tín đồ có yêu cầu họp mặt để kỷ niệm lễ tại chỗ thì Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn hoặc Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố (nơi không có Ban Trị sự cơ sở) thực hiện các việc như sau:
- Gặp Ủy ban nhân dân xã (P.TT) trình bày về Thông Bạch hướng dẫn tổ chức lễ của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và bàn bạc cụ thể về địa điểm, (chú ý địa điểm đã đăng ký đầu năm) nội dung và hình thức tổ chức, mô hình xe hoa và tuyến đường, thời gian xe hoa diễu hành (nếu có điều kiện), đồng thời thông qua nhân sự Ban Tổ chức Đại lễ. Sau khi được sự thống nhất của Ủy ban nhân dân xã thì Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã mời nhân sự Ban Tổ chức lễ họp và phân công cụ thể.
- Sau đó làm Thông báo gởi đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với cơ sở có chùa hoặc nơi làm việc ổn định có đăng ký đầu năm với chính quyền địa phương; các xã, phường, thị trấn mượn nhà để tổ chức lễ phải làm đề nghị tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo (mẫu B34 của Bộ Nội vụ) gởi UBND huyện, thị, thành phố để được tổ chức lễ tại địa phương mình (có mẫu Thông báo và mẫu đề nghị B27 kèm theo); Khi được chấp thuận, Ban Tổ chức lễ tiến hành các bước tiếp theo đúng nội dung và hình thức được chính quyền chấp thuận.
- Riêng các xã, thị trấn gần An Hòa Tự gồm: TT. Phú Mỹ, các xã Tân Hòa, Tân Trung, Phú Hưng, Phú Thọ thì không làm lễ tại xã mà hướng dẫn đồng đạo làm lễ tại nhà và tham gia vào việc tổ chức lễ tại trung tâm An Hòa Tự, Tổ Đình và phục vụ đồng đạo phương xa về dự lễ. Tại nơi làm việc hợp pháp của các xã này cũng trang trí đèn hoa, cờ hoa và treo băng chào mừng Đại lễ, phân công trực để tiếp khách đến chúc mừng, chùa Hưng Hòa Tự không tổ chức tập trung nhưng phải mở cửa cho đồng đạo lễ bái.
3/. Địa điểm, nội dung và hình thức tổ chức lễ:
a/. Địa điểm (ở các nơi khác):
Nơi nào có chùa Phật giáo Hòa Hảo đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận thì làm lễ tại chùa. Nơi không có chùa thì tổ chức tại nơi làm việc của Ban Trị sự, hoặc mượn nhà của đồng đạo có điều kiện thuận lợi, được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp sở tại.
b/. Hình thức:
- Tại địa điểm làm lễ tập trung có trang trí 01 lễ đài gồm: Trước lễ đài treo một băng màu dà có mang dòng chữ màu vàng: “Kính mừng Đại lễ Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo - Kỷ niệm lần thứ 100” (25/11 Kỷ Mùi – 25/11 Kỷ Hợi); có bốn chữ “Phật Giáo Hòa Hảo” ở phía trên. Trong lễ đài có trang trí phông màu dà, trên nền có biểu tượng gắn (treo) ở trên; phía dưới biểu tượng là dòng chữ Kính mừng…. như trên (bảng bằng tole, gỗ, chữ có thể bằng “mướp”, “mica”, đèn hộp…). Chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ được an vị trang trọng ở trung tâm lễ đài, trước phông màu dà có 2 câu lời Đức Thầy:”Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn, Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp”. Nơi lễ đài trang trí đèn hoa, cờ hoa, hoa kiểng (tuyệt đối không trang trí lư hương), hai bên lễ đài có treo Đạo kỳ. Trên lễ đài có bục nói và máy phóng thanh đủ nghe. Nếu có điều kiện, trang trí thêm băng màu dà, chữ vàng mang câu: “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, Quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”. Và câu: “Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng, Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”. “Tu đền nợ thế cho rồi, Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen”.
- Đối diện lễ đài phía trước sân, lập 1 bàn Phật gồm: 1 lư hương, hoa, nước lã và đôi đèn để cầu nguyện quốc thới dân an vào đêm 24/11 âl.
Trang trí một cổng chào phía trước nơi bước vào sân lễ, có băng (hoặc bảng) màu dà chữ vàng: “Kính mừng Đại lễ 25/11”, treo đạo kỳ 2 bên, phía dưới có băng mang chữ “Chào mừng quan khách và đồng đạo”.
- Nơi cổng chào và lễ đài có ghi dòng chữ “Ban Trị sự xã (phường, thị trấn) ……………..……..”.
Ban Đại diện PGHH tỉnh, thành phố tùy vào đặc điểm tình hình và đời sống sinh hoạt của tín đồ tại địa phương xin phép chính quyền cấp tỉnh để Ban Trị sự cơ sở xin phép Ủy ban Nhân dân cấp huyện, quận, thị, thành phố hoặc thông báo đến chính quyền xã, phường, thị trấn tổ chức lễ phù hợp. Nơi nào có điều kiện thì xin phép được làm xe hoa diễu hành tại địa phương (chú ý: nếu các xã có tập trung để diễu hành trong huyện thì Ban Đại diện phải đăng ký cụ thể số lượng xe hoa, xe lân, thời gian và tuyến đường diễu hành để chính quyền bảo vệ an ninh trật tự).
- Các chùa Phật giáo Hòa Hảo được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, cột cờ từ trước treo cờ nước vẫn giữ y để treo Quốc kỳ, Đạo kỳ được treo trong sân chùa (chú ý cột cờ đạo thấp hơn cột cờ nước), hai bên cổng chùa được treo Đạo kỳ.
- Chuẩn bị trang trí điểm lễ xong trước ngày 24/11 âl (do điều kiện lễ đài, khánh tiết làm mới hoặc có sẵn dựng lại, thời gian khởi công dựng lễ đài do Ban Trị sự đăng ký ghi trong Thông báo gởi chính quyền xã), an vị chân dung Đức Thầy chậm nhất là 14 giờ ngày 24/11 âl, khi an vị chân dung được cung thỉnh trong sân lễ, được múa lân chào mừng (nếu có). Khai mạc Đại lễ đọc Sấm giảng Thi văn có nội dung giáo lý (danh sách nhân sự đọc do Ban Tổ chức chọn) theo chương trình đính kèm ngày 24/11 âl và cầu nguyện Quốc thới dân an, xe hoa diễu hành (nếu có). Có thuyết giảng lúc 14 giờ hoặc 18 giờ ở một số điểm lễ có yêu cầu do Ban Trị sự Trung ương phân công giáo lý viên, đến 22 giờ nghỉ đêm.
c/. Thành phần tham dự:
Mời quan khách chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể, tôn giáo bạn và đồng đạo ở địa phương.
d/. Nội dung hành lễ chính ngày 25/11 âl (có chương trình đính kèm):
- 06 giờ 30: Đồng đạo tập hợp.
- 07 giờ 00: Tiếp quan khách và đồng đạo vào sân lễ.
- Múa lân chào mừng (nếu có).
- 07 giờ 30: Khai mạc phần hành chánh lễ gồm:
* Nghi thức:
- Tuyên bố lý do.
- Giới thiệu thành phần đại biểu tham dự.
- Nghi thức tôn giáo (kỉnh lễ Đức Phật, kỉnh lễ Đức Huỳnh Giáo Chủ).
* Nội dung:
- Đọc diễn văn khai mạc (có văn bản).
- Đọc điện mừng, tặng lẵng hoa, quà của quan khách và đồng đạo (nếu có).
- Đọc bài ý nghĩa kỷ niệm Đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ năm Kỷ Hợi (2019) (có văn bản).
- Cầu nguyện quốc thới dân an và dâng ý nguyện với Đức Thầy (có kèm nội dung).
- Dâng hoa (nếu có).
- Báo cáo kết quả hoạt động đạo sự của Ban Trị sự cơ sở năm 2019 và định hướng hoạt động đạo sự năm 2020 (Ban Trị sự xã soạn và thông qua địa phương).
- Đọc Quyết định và trao Tuyên dương công đức (nếu có).
- Phát biểu ý kiến của Đại diện chính quyền, MTTQ VN địa phương.
*Bế mạc:
- Đáp từ của Ban Tổ chức. (có văn bản)
- Nghi thức bế mạc, phần hành chánh lễ.
- Mời quan khách và đồng đạo dùng nước hoặc cơm tùy theo điều kiện Ban Tổ chức lễ.
Sau đó nếu có yêu cầu và điều kiện, có thể đọc Sấm giảng Thi văn có nội dung giáo lý Phật giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đến 20 giờ thì kết thúc đọc Sấm giảng (buổi trưa nghỉ đọc từ 11 giờ đến 13 giờ). Lễ đài tháo dỡ trong ngày 26/11 âl.
- Xe hoa diễu hành ở địa phương lúc 18 giờ - 22 giờ ngày 24/11Kỷ Hợi. (Nếu Ban Trị sự có làm xe hoa).
- Ban Tổ chức lễ được chụp ảnh và quay phim để lưu nịêm.
III/. Tại An Hòa Tự và Tổ Đình Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo tổ chức Đại lễ: (có kế hoạch riêng).
Nhằm đảm bảo trật tự và an toàn xã hội, các vị Trị sự viên Trung ương phụ trách ở các tỉnh, thành phố hoặc nhân sự đặc trách tỉnh, thành phố cần động viên, hướng dẫn đồng đạo làm lễ tại nhà và tham gia lễ tại xã, phường, thị trấn. Trường hợp đồng đạo có nhu cầu hành hương về địa điểm An Hòa Tự và Tổ Đình, các Trị sự viên Trung ương, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, thành phố cần nhắc nhở đồng đạo nên giữ gìn trật tự, phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường thủy cũng như đường bộ, không mang theo băng, cờ, khẩu hiệu hình ảnh và không đọc giảng trên đường đi.
IV/. Nhân dịp này, Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, TP, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, trị trấn:
- Nếu có điều kiện nên tổ chức các việc từ thiện công ích như tu sửa cầu, đường hoặc chọn công trình vừa sức đăng ký với chính quyền địa phương để thực hiện, lập công đức thiết thực chào mừng Đại lễ 25/11. Ngoài ra, cũng cần thăm viếng các gia đình tín đồ mẫu mực, các vị chân tu tâm đạo có uy tín trong Đạo, những gia đình neo đơn, nghèo khó, trại dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi (các công việc trên nếu có thực hiện cần thảo luận, bàn bạc cụ thể với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc địa phương).
V/. Tổ chức thực hiện:
- Căn cứ theo Thông Bạch này và tùy vào tình hình của địa phương, các Trị sự viên Trung ương phụ trách tỉnh, thành phố hoặc nhân sự đặc trách Ban Đại diện tỉnh, thành phố làm đề nghị gởi Ban Tôn giáo tỉnh, thành phố sở tại chấp thuận để các Ban Trị sự xã, phường, thị trấn trong tỉnh được triển khai Thông Bạch cho tín đồ biết và tổ chức Đại lễ tại địa phương, nhất là việc làm xe hoa và xe hoa diễu hành kính mừng Đại lễ.
- Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn trong toàn đạo, tùy tình hình thực tế địa phương đăng ký với Chính quyền, MTTQ về địa điểm để triển khai Thông Bạch tại các ấp có đông tín đồ cho đồng đạo biết cách tổ chức lễ và tổ chức Đại lễ tại địa phương. Sau khi xong lễ, báo cáo (bằng văn bản) kết quả thực hiện về Ban Đại diện tỉnh, thành phố, Văn phòng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo.
Trên đây là hướng dẫn về tổ chức Đại lễ 25/11 Kỷ Hợi, đề nghị các vị Trị sự viên Trung ương phụ trách tỉnh, thành phố hoặc nhân sự đặc trách Ban Đại diện tỉnh, thành phố; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã, phường, thị trấn và đồng đạo Phật giáo Hòa Hảo thực hiện đúng tinh thần Thông Bạch này.
Nếu cần thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ban Tổ chức Đại lễ 25/11 Ban Trị sự Trung ương
Địa chỉ: An Hòa tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang
Điện thoại: (0296) 3827.933
Email: thanhhoaipghh@gmail.com
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Tôn giáo Chính Phủ;
- Vụ Tín ngưỡng và các Tôn giáo khác; Vụ công tác
phía Nam (Ban Tôn giáo Chính Phủ);
- Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ các tỉnh, TP;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn, (có đông tín đồ
PGHH “để biết” và giúp đỡ hỗ trợ);
- Lưu VP.
|
TM. BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GH PGHH
TRƯỞNG BAN
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Đạt
|